Hà Giang, Mảnh Đất Thần Tiên

Hà Giang, Mảnh Đất Thần Tiên

Nhạc Châu Á

2779 lượt nghe

2015-11-12 00:0
Người ta nghe tiếng Hà Giang thấy xa lắm. Đường lên quanh co dốc đứng, nhưng mà đã, mà phê, mà thích thú vô chừng.
Đóng

Cuối thu, mấy đứa tôi vì tiếng gọi Hà Giang, quyết tâm chinh phục một lần bằng được. Nào Đồng Văn, Mèo Vạc, nào Mã Pí Lèng, nào Du Già Mậu Duệ, nào Bắc Mê, Hoàng Su Phì…Mấy con ngựa sắt vội vàng vượt 300km đường, thẳng tiến về cao nguyên Đá – Hà Giang.

Bát Đại Sơn – cầu vồng đi đón cơn mưa

Con đường tỉnh lộ đến Quản Bạ nhỏ và dốc dần lên. Những bụi lau sậy uốn lượn theo con sông và con đường nhỏ cũng theo sông len lỏi suốt dọc chiều dài thung lũng cho đến khi con đèo Pác Xum đột ngột làm chuyển hướng con đường leo dốc lên và khuất dần sang phía bên kia núi. Cảnh sắc cũng theo con đường ngoằn nghoèo mà thay đổi, đường dốc dần lên, bám sát núi mà mon men lấn từng bước vào vùng đất chỉ có núi và núi. Cảnh nối cảnh êm đềm, núi nối núi nhấp nhô, mây cũng nối theo mây mà bồng bềnh. Đuổi bắt theo cầu vồng, chúng tôi vượt xe xuyên qua những cánh đồng lúa đã đến kỳ gặt hái. Hương lúa thơm quyện trong vị lành lạnh của mưa và không khí thoáng đãng của vùng núi rừng.
 

Từ trên độ cao 1500m so với mặt nước biển, cổng trời Quản Bạ quanh năm mây phủ là nơi cao nhất để ngắm toàn cảnh Cán Tỷ và Bát Đại Sơn từ phía xa. Dưới chân đèo, thị trấn Tam Sơn sầm uất nhất tỉnh Hà Giang đã trải dài với những ruộng lúa vàng ruộm. Là cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên đá, một thời gian dài, phía sau Cổng trời này là thế giới của “vùng tự trị người Mèo” gồm các huyện Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn và Yên Minh, nằm tách biệt hẳn với bên ngoài. Do đường xá đi lại vô vàn khó khăn cùng vô vàn những hủ tục khiến vùng đất Hà Giang vẫn là vùng “bí ẩn” trong nhiều năm nay.

Yên Minh – thông reo giữa trời

Trên cả chặng đường gần 50km đến Yên Minh, thảng gặp 1 hay 2 chiếc xe máy chạy ngược chiều lại. Và thi thoảng lắm mới lại gặp và anh chàng người dân tộc Mông say khật khừ, tay cầm đèn pin, khua khoắng chai rượu đi ngược lại. Tôi nghe nói cách Yên Minh khoảng chục km có cả một dải rừng thông vi vút. Những cái cảm nhận về việc mình đang đi trong một rừng thông bạt ngàn là có thật. Ùa vào khướu giác của những kẻ lang thang là mùi thơm thoảng trong gió của nhựa thông non và tiếng gió xàn xạt trên những ngọn thông reo vui không ngừng vi vu trên đầu. 
 

Thị tứ Yên Minh nhỏ nhắn nằm ngay trên đường tỉnh lộ chỉ đi một lèo là hết cũng có đến 2, 3 cái nhà nghỉ. Những cánh rừng thông Yên Minh trải dài đến vài chục km trên những mảnh đồi thấp. Những rừng thông non bao bọc thung lũng yên bình, quanh năm khí hậu mát mẻ. Với những người lần đầu đến với mảnh đất này, sẽ có cảm giác đang ghé thăm một Đà Lạt thứ hai với những đồi thông bạt ngàn, những trảng cỏ xanh và vô số những mái nhà nhấp nhô sau rặng núi xa xa.

Sủng Là, nơi đá nở hoa

Vượt qua Yên Minh là bước vào mảnh đất của vùng cao nguyên đá. Núi, núi và núi với những con đường tưởng chừng dài vô tận, vô vàn những núi, những thung. Từ trên con đường vắt vẻo lưng chừng trời nhìn xuống, Sủng Là như một bức tranh thiên nhiên thanh bình xinh đẹp nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô. Những mái nhà tường trình nằm im lìm trong nắng sớm mai, hàng rào đá thâm thấp, cây hồng trong vườn đã lúc lỉu quả và củi đã chất đầy nơi góc bếp. Trên gác mái, màu của ngô lẫn trong đám màu đỗ tương được phơi khô. Cô gái dân tộc Mông ngồi dệt vải bên khung cửi, dù tiếng Kinh không nói được nhiều nhưng vẫn sẵn lòng mời bạn bát nước mát cho đỡ cơn khát ban trưa. Lũ trẻ trông nhau nơi bậc thềm, đôi mắt đen lay láy nhìn theo những người khách xa lạ. Người Mông ở Sủng Là trồng tam giác mạch và hoa cải trên đồi đất cao, trồng ngô và lúa ở vùng đất bằng nơi đáy thung lũng. Chen lẫn trong màu xanh non của ngô của lúa là màu tím hoa cà của hoa tam giác mạch và màu vàng của nắng, màu xanh đậm của hàng sa mộc sừng sững giữa trời.'
 

Mùa xuân cũng là mùa đẹp nhất của mảnh đất này khi những vạt hoa nở khắp vùng cao nguyên đá. Những cánh đồng hoa làm khung cảnh thiên nhiên vốn khắc nghiệt, lạnh lẽo biến thành một bức tranh tuyệt mỹ. Tiếng khèn văng vẳng đâu đó sau những bờ rào thấp, lấp ló bóng những cô gái áo xanh áo đỏ đi chợ sớm. Chợ Sủng Là hôm nay đón những vị khách từ phương xa tò mò ghé thăm. Sau “Chuyện của Pao”, cái tên Sủng Là được nhắc nhiều mỗi khi có người có ý ghé thăm mảnh đất Hà Giang. Để trong nắng sớm còn đang len lỏi, lại nghe thấy đâu đây tiếng đàn môi sau bờ rào đá huyễn hoặc.

Ngôi nhà trăm tuổi trong thung lũng Sà Phìn

Thung lũng Sà phìn nằm gọn giữa những dãy núi đá, người dân ở nơi cao nguyên đá này đã tận dụng đá để xây nhà, đá làm hàng rào, tất tần tật đều là đá. Dinh họ Vương nằm giữa thung lũng nhưng lại được đặt trên một ngọn đồi thâm thấp. Hàng sa mộc đứng uy nghiêm , thân rắn chắc, cao vút suốt dọc hai bên bậc tam cấp lên khu dinh như hai hàng lính canh sừng sững. Dinh thự không lớn với tường đá bao quanh, dày có đến 80cm và cao đến 3m. Toàn bộ ngôi nhà được dựng bằng đá xanh, gỗ thông, gỗ pơmu và ngòi đất nung được chạm trổ tinh sảo. Nghe đâu khi xây dựng dinh cơ này, Vương Chính Đức đã mời thầy địa lý người Tàu đi khảo sát khắp vùng và đến thung lũng Sà Phìn, thầy địa lý đã chọn vùng đất này, vì đại thế ở đây nổi lên như mai rùa, được coi như là nơi thần kim quy dựng nghiệp. Dinh họ Vương bắt đầu được chuyển thành điểm tham quan vào năm 1993, sau khi được bộ Văn hóa thông tin công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Kể từ đó cho đến nay, ngôi nhà không dùng làm nơi ở nữa mà phục vụ cho du lịch và tham quan. Xung quanh nhà đều là các gia đình của con cháu dòng họ Vương. Căn nhà đã có tuổi 80 này đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm và một thời từng là ngôi nhà quyền uy nhất của một vùng Hà Giang rộng lớn, phía sau cánh cổng Trời Quản Bạ.
 

Phó Bảng đem lại cho chúng tôi cảm giác khác hẳn với Dinh họ Vương. Con đường vào đẹp đẽ 5km rộng thênh thang, đường vắng bóng người. Gần vào đến Phó Bảng, những cánh đồng hoa hồng khiến người qua không khỏi sững sờ. Giữa cao nguyên đá chỉ có ngô và ngô này, những cánh đồng hoa như một điểm nhấn dịu dàng cho mảnh đất khô cằn. Ngôi làng nhỏ với số dân đa phần là người Hoa này nằm cách biệt với thế giới bên ngoài, tuổi cũng đã gần 100. Những mái nhà rêu phong thâm thấp, ngô phơi đầy sân trên các chái nhà, các kèo ngang. Lũ trẻ nô đùa trên bậc thềm. Ngôi làng yên bình trong buổi trưa nắng, cuộc sống giản dị thanh bình, màu đất của những bức tường nổi bật trong nắng. Thời gian thấm vào từng bức tường nâu, từng khuôn cửa sần sùi trong ngôi làng có vẻn vẹn vài chục nóc nhà.

Sắc màu chợ phiên Ma Lé

Phiên chợ Ma Lé không lớn bằng chợ Đồng Văn hay chợ tình Khâu Vai – Mèo Vạc nổi tiếng, cũng không có nhiều màu sắc và hàng hóa bằng, nhưng trong một buổi sớm mùa thu nắng vàng nhảy nhót, màu sắc sặc sỡ của những áo những khăn đỏ tím vàng xanh giữa màu sắc xam xám của núi rừng ngút ngàn, cảnh sắc chợ thật vui mắt. Bất kể thời tiết thế nào, hàng ngày vào thứ 7, chợ Ma Lé cũng họp lại một lần. Nằm gần sát với cực bắc Lũng Cú, Ma Lé hấp dẫn chúng tôi hơn hẳn các phiên chợ khác vì phiên chợ này có ít khách du lịch biết đến nên sự xáo trộn cũng ít hơn. Những cô gái Mông với đôi mắt xếch và bộ váy áo đẹp mắt, túm năm tụm ba trò chuyện cười nói. Những ô xanh ô đỏ, những mắt lúng liếng, những váy đung đưa. Các chàng trai Mông áo đen, trò chuyện sôi nổi bên bàn thắng cố và rượu ngô. Cả khu chợ như một vườn hoa di động, luân chuyển liên tục, màu sắc cứ hết từ nơi này sang nơi nọ, trong ánh nắng chan hòa buổi sớm.
 

Tôi đi xuyên qua chợ, ngó nghiêng những góc độ, cố gắng lưu vào ống kính máy ảnh của mình những nét đẹp của phiên chợ vùng cao, cố chụp những nét mặt , cuộc sống , những đứa trẻ trong phiên chợ một cách tự nhiên nhất và cũng không quên buộc trên đầu chiếc khăn thổ cẩm sặc sỡ sắc màu. Trong chợ, ngoài những sạp hàng nhỏ bán những thứ thiết yếu như kẹo bánh, mì, khăn hay bánh xà phòng, còn có những thúng óc chó, mè đen, đậu, đỗ xanh, những bàn thắng cố và xôi ngũ sắc. Người đi xe máy đến chợ, kẻ dắt ngựa, theo chồng đến chợ. Phiên chợ rộn ràng cho đến tận10h sáng mới dần tan.

Đêm trước khi trở về Đồng Văn từ Cực bắc Lũng Cú, chúng tôi đã được thưởng thức món đặc sản thắng cố ở chợ. Món ăn dân dã được chuẩn bị cho phiên chợ sớm, bên ánh lửa hồng và bát rượu ngô thơm lừng, câu chuyện giữa anh chàng làm thắng cố và những người khách phương xa rôm rả không dứt.

 Có một con đường mang tên hạnh phúc

Tầm mắt cuối cùng cũng đã được mở mang khi chúng tôi chính thức chạy vào con đường lên đèo Mã Pí Lèng. Mã Pí Lèng có nghĩa là Sống mũi ngựa, nối Mèo Vạc với Đồng Văn, vốn là hai xã xa xôi nhất của tỉnh Hà Giang. Đèo được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ XX do công nhân chủ yếu là người dân tộc H’Mông làm. Để đục đá mở đường, người ta phải treo mình trên dây, giữa lưng chừng những đá tai mèo mà thi công trong suốt II tháng.  

Con đèo dài khoảng 20km, chênh vênh giữa những lớp đá, lớp núi lô xô trùng trùng điệp điệp. Những ngọn núi màu xám chì, hùng vĩ nối nhau đến tận chân trời. Xa xa là dòng sông Nho Quế dịu dàng vắt mình như một tấm khăn choàng mỏng manh. Đường xuống sông chạy gần như song song với dòng sông cho đến khi gặp nhau ở bờ sông, mùa đất đỏ quyện lấy bánh xe. Con đường dài như một con rắn trườn mình vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Lần đầu tiên bước chân lên đèo, chúng tôi phải mất gần hai tiếng đồng hồ mới đi hết vì cảnh thiên nhiên quá đẹp đẽ và hùng vĩ khiến cho bước chân cứ đi được một đoạn lại phải dừng lại để chụp ảnh. Con đường đẹp vắng người, chỉ có mấy cậu bé dân tộc đang ngồi chơi vắt vẻo trên thành, nhịp chân đu đưa bị chúng tôi dụ dỗ bằng kẹo, nở nụ cười tươi trong những khuôn hình. Một cô bé đang gùi ngô về bản, tay vẫn đan sợi đều đặn, chân bước nhịp nhàng. Vùng núi đá không trồng được cây cối hay rau màu. Người H’Mông hàng ngày phải gùi những gùi đất từ rất xa mang về nhét vào từng hốc đá, dùng đá chèn lại để giữ cho nước mưa không trôi mất đất, rồi bỏ hạt ngô giống vào. Những thân cây ngô xanh mọc lên vươn mình trong những lớp đá xám như cuộc sống vẫn trỗi dậy nơi mảnh đất cằn này mỗi ngày. Bây giờ tôi hiểu vì sao người Lô Lô, H’Mông hay Dao đều quàng lên mình những tấm khăn sặc sỡ, những chiếc váy đủ màu duyên dáng. Bóng áo xanh áo hồng của họ nổi bật trên những vực đá tai mèo xám. Bước chân thoăn thoắt trên khắp vùng rẻo cao.

Một tấm bia lớn được dựng nơi đỉnh đèo khắc ghi những hi sinh thầm lặng của những người làm nên con đường Hạnh Phúc, nơi mà người ta sống chung với đá, lớn lên cùng đá và chết cũng vùi mình trong đá.

Thông tin thêm:

Từ Hà Nội đến Hà Giang, bạn phải vượt qua con đường hơn 300km đến thị trấn, sau đó rẽ lên tỉnh lộ 4c để vào sâu trong mảnh đất xa xôi cực Bắc Tổ Quốc.

Phương tiện đi lại có thể là xe máy hoặc những chiếc xe khách chạy tuyến trong ngày từ bến xe Mỹ Đình.

Các điểm có nhà nghỉ tại Hà Giang: Tam Sơn – Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Các điểm cách nhau quãng đường 40km. Giá phòng: 250.000 một phòng.

Dinh họ Vương cách Hà Giang khoảng 125km. Định mở cửa từ 8h sáng đến 17h chiều vào tất cả các ngày trong tuần.

Thị trấn Tam Sơn – Quản Bạ với thắng cảnh núi đôi nổi tiếng. Đây cũng là thị trấn sầm uất nhất tỉnh Hà Giang.

Thị trấn Yên Minh với những đồi thông bạt ngàn trải dài.

Bản Sủng Là, trên đường từ Yên Minh đi Đồng Văn, địa điểm chính quay bộ phim “Chuyện của Pao”.

Bản Phó Bảng – một ngôi làng cổ có tuổi đời 100 năm với những ngôi nhà ngói âm dương đặc trưng của người Hoa.

Lũng Cú – cực Bắc tổ quốc, cách Dinh họ Vương hơn 20km, nơi địa đầu Tổ Quốc.

Phiên chợ Ma Lé, cách Lũng Cú 10km được họp vào sáng thứ 7 hàng tuần. Phiên chợ Đồng Văn họp vào sáng Chủ Nhật hàng tuần.

Thời điểm đẹp nhất đi Hà Giang là tháng 11 khi lúa đang mùa gặt, hoa tam giác mạch nở trên khắp cánh đồng và mùa mưa bão đã qua cùng tháng 3 khi mùa xuân với sắc hoa đào hoa mận và hoa cải rạng rỡ.

--------------

Tác giả: Lam Linh
Voice: Babum
Thực hiện: Mít


Nếu các bạn có tâm sự muốn chia sẻ hay muốn hợp tác với Mobiradio, vui lòng liên hệ e-mail 9899@i-com.vn.
 
  • MỚI NHẤT
  • NGHE NHIỀU NHẤT
  • NÓNG NHẤT